Báo cáo "Hiện trạng bụi PM₂.₅ và Tác động Sức khỏe tại Việt Nam năm 2021"

Ô nhiễm không khí là một trong những đe dọa nguy hiểm nhất đối với sức khỏe môi trường không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia khác cũng đang phải đối mặt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có 7 triệu ca tử vong sớm quy thuộc do ô nhiễm không khí cả bên ngoài và trong nhà trên toàn cầu mỗi năm. Chỉ số EPI - Environmental Performance Index năm 2022 cho thấy phơi nhiễm với ô nhiễm không khí ở Việt Nam ở mức cao (xếp hạng 130 trên tổng số 180 quốc gia).

Báo cáo “Hiện trạng bụi PM₂.₅ và Tác động Sức khỏe tại Việt Nam năm 2021” được thực hiện bởi các nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Y tế Công cộng (HUPH) phối hợp với nhóm Khoa học Công dân – Môi trường tại Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn). Báo cáo được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Cải thiện Giám sát và Quản lý Ô nhiễm không khí ở Việt Nam sử dụng Quan trắc PM₂.₅ bằng vệ tinh” được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua chương trình LASER PULSE. Báo cáo “Hiện trạng bụi PM₂.₅ và Tác động sức khỏe tại Việt Nam năm 2021” được xây dựng sử dụng dữ liệu PM₂.₅ tính toán từ mô hình học máy thống kê để cung cấp thông tin đầy đủ hơn cả về phân bố không gian và diễn biến thời gian của bức tranh ô nhiễm không khí do PM₂.₅ ở Việt Nam năm 2021, cùng với đó đánh giá mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm PM₂.₅ đến sức khoẻ cộng đồng.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích hiện trạng bụi PM₂.₅ và lợi ích sức khỏe tại các tỉnh trên toàn quốc cùng với phân tích chuyên sâu đến cấp quận/huyện cho một số tỉnh/thành phố. Các kết quả phân tích giúp xác định những vùng đang gặp vấn đề ô nhiễm bụi PM₂.₅, từ đó tạo cơ sở để các cơ quan quản lý có cơ sở xây dựng chính sách quản lý chất lượng không khí phù hợp cùng với nâng cao nhận thức của người dân về ô nhiễm bụi PM₂.₅ và tác động lên sức khỏe. Sau đây là một số kết quả từ báo cáo.

Khái quát

Bụi mịn PM₂.₅ có xu hướng thay đổi theo mức độ đô thị hoá, với các đô thị hạng Đặc biệt có số ngày trong năm với chất lượng không khí tốt ít hơn khoảng 20% so với những những loại đô thị khác. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai nơi có mức độ ô nhiễm bụi PM₂.₅ cao nhất ở 2 miền Bắc và Nam. năm 2020 và 2021 là những năm đặc biệt bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các biện pháp giãn cách dẫn đến việc suy giảm các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Báo cáo này đã thực hiện phân tích tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe cộng đồng trong năm 2019 và đưa ra trường hợp giả định về tác động của ô nhiễm không khí nếu có các biện pháp can thiệp làm giảm mức độ ô nhiễm trong năm 2019 và đạt kết quả như năm 2021. Qua đó có thể thấy được mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người trong điều kiện phát triển bình thường ở Việt Nam khi không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và hiệu quả của các biện pháp can thiệp làm giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm từ con người.

Kết quả nghiên cứu cho thấy số ca tử vong có liên quan đến PM₂.₅ ước tính năm 2019 tại Việt Nam chiếm đến 1/10 số ca tử vong do nguyên nhân tự nhiên; Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 địa phương có số ca tử vong do ô nhiễm PM₂.₅ cao nhất cả nước. Trong trường hợp cả nước thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi PM₂.₅, số ca tử vong sớm do bui PM₂.₅ toàn quốc có thể giảm khoảng 7%. Từ những phát hiện này, có thể nhận thấy tầm quan trọng của các hành động, chính sách quản lý và giảm thiêu ô nhiễm không khí đối với việc gia tăng chất lượng không khí cũng như chất lượng cuộc sống của người dân trên toàn quốc.

Hiện trạng bụi PM₂.₅ và Tác động Sức khỏe tại Việt Nam năm 2021

Ngày nay hoạt động quan trắc bụi PM₂.₅ cùng các chất ô nhiễm khác phần lớn do Bộ Tài nguyên và Môitrường (Bộ TNMT) đảm nhận ở cấp trung ương và do các Sở TNMT thực hiện ở cấp địa phương. Dữ liệu PM₂.₅ còn được cung cấp bởi các trạm quan trắc tiêu chuẩn và mạng lưới cảm biến của các đại sứ quán, các tổ chức nghiên cứu khoa học và đơn vị tư nhân. Trong những năm gần đây, kỹ thuật mô hình sử dụng số liệu quan trắc, ảnh vệ tinh (viễn thám) và các dữ liệu phụ trợ được ứng dụng rộng rãi để cung cấp thông tin quan trắc. Đây là phương pháp bổ sung số liệu cho các trạm quan trắc, cung cấp thông tin về sự phân bố không gian của nồng độ PM₂.₅ trên phạm vi lớn, đặc biệt là ở những nơi chưa có điều kiện lắp đặt các trạm quan trắc và các tính toán về tác động sức khỏe do ô nhiễm PM₂.₅ ở cấp quốc gia còn chưa được đề cập .

Trong bối cảnh này, báo cáo Hiện trạng bụi PM₂.₅ và tác động sức khỏe tại Việt Nam năm 2021 được xây dựng sử dụng dữ liệu PM₂.₅ tính toán từ mô hình học máy thống kê để cung cấp thông tin đầy đủ hơn cả về phân bố không gian và diễn biến thời gian của bức tranh ô nhiễm không khí do PM₂.₅ ở Việt Nam. năm 2021, cùng với đánh giá mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm PM₂.₅ đến sức khoẻ cộng đồng. Từ kết quả nghiên cứu, người dân cũng như các cơ quan quản lý có thêm một góc nhìn đầy đủ về thực trạng ô nhiễm bụi PM₂.₅ ở Việt Nam và tác hại của nó đến sức khoẻ con người để có động lực hành động và đưa ra các chính sách giúp giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm không khí.

enter image description here Hình 1. Minh họa kích thước của bụi mịn PM₂.₅ Source: https://ww2.arb.ca.gov/resources/inhalable-particulate-matter-and-health

Nhằm đạt được mục đích nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích thực trạng ô nhiễm PM₂.₅ trên các khía cạnh khác nhau trên toàn quốc, theo vùng miền, tỉnh/thành phố và cá, đô thị, để xây dựng các bản đồ PM₂.₅ trung bình ngày toàn quốc trong các nămtừ 2019 đến 2021. Từ dữ liệu bản đồ PM₂.₅ trung bình ngày ,các nhà nghiên cứu tiếp tục tổng hợp giá trị nồng độ bụi PM₂.₅ trung bình ngày, trung bình tháng, và trung bình năm theo các khu vực địa lý để phân tích hiện trạng và diễn biến của bụi PM₂.₅ ở các vùng miền,tỉnh/thành phổ, và quận/huyện. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã tính toán mức độ phơi nhiễm bụi PM₂.₅ ở cấp tỉnh, thành phố để đánh giá sơ bộ mức độ ảnh hưởng của bụi PM₂.₅ lên cộng đồng. Tốc độ phát triển kinh tế và xã hội của từng khu vực có thể dẫn đến mức độ ô nhiễm không khí khác nhau. Trên cơ sở này nhóm đã phân tích mức độ ô nhiễm bụi PM₂.₅ tại các loại đô thị khác nhau bằng cách tổng hợp giá trị trung bình nồng độ PM₂.₅ tại từng loại đô thị trong năm năm 2021 để so sánh, đánh giá.

Một khía cạnh khác cần nghiên cứu trong bối cảnh năm 2021 là ảnh hưởng của các hoạt động giãn cách do dịch bệnh COVID-19 đối với mức độ ô nhiễm PM₂.₅ do việc giãn cách làm giảm đến các hoạt động sản xuất, đi lại và sinh hoạt của người dân. Trong nghiên cứu này, nồng độ PM₂.₅ thực tế trong khoảng thời gian giãn cách được so sánh với nồng độ PM₂.₅ ước tính được trong trường hợp xã hội hoạt động bình thường để đánh giá sự suy giảm của nồng độ PM₂.₅ trong năm 2021 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Sau khi đã thực hiện phân tích tổng thể về thực trạng ô nhiễm bụi PM₂.₅, ảnh hưởng của ô nhiễm PM₂.₅ đối với sức khoẻ con người tiếp tục được xem xét trong năm 2019, khi môi trường Việt Nam trong điều kiện bình thường và chưa bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội do dịch COVID-19.

Kết quả chính

Sau đây là một số kết quả chính về hiện trạng ô nhiễm PM₂.₅ ở Việt Nam được nêu trong báo cáo:

Xét về quy mô toàn quốc, nồng độ PM₂.₅ trung bình năm 2021 ở các tỉnh có sự giảm so với năm 2019 và tăng nhẹ so với năm 2020. Khu vực có nồng độ PM₂.₅ cao chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng (trong đó thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận). Trong năm 2021, chỉ có 6 trên 63 tỉnh thành vượt chuẩn về ô nhiễm PM₂.₅ của quốc gia (25 µg/m³), tuy nhiên mức độ phơi nhiễm PM₂.₅ của người dân tại các tỉnh thành vẫn còn cao hơn so với nồng độ trung bình năm. Hơn nữa, nồng độ trung bình năm của tất cả các tỉnh thành phố năm 2021 cũng cao hơn so với khuyến nghị của tổ chức Y tế Thế giới WHO năm 2021 (5 µg/m³).

Phân bố mức độ ô nhiễm PM₂.₅ tại các vùng miền có sự khác nhau với 76% số tỉnh thuộc miền Bắc dưới ngưỡng quy chuẩn quốc gia quốc gia, con số này với các tỉnh miền Trung và Nam là 100%. Các giá trị trung bình năm của các quận huyện ở miền Bắc giao động từ 13,1 µg/m³ đến 43 µg/m³, đối với với miền Trung các giá trị này dao động từ 11,0 µg/m³ đến 23,1 µg/m³ và 11,4 µg/m³ đến 21,3 µg/m³ đối với miền Nam.

Mức độ ô nhiễm bụi PM₂.₅ cũng thể hiện sự phân hóa theo mức độ đô thị hóa. Cụ thể đối với loại đô thị Đặc biệt, số lượng ngày có chất lượng không khí Tốt theo dõi được chỉ đạt 64%, trong khi đối với các đô thị còn lại thì tỉ lệ số ngày đạt chất lượng không khí Tốt giao động từ 79-85%. Phần trăm số ngày có chất lượng không khí Kém và Xấu của loại đô thị Đặc biệt cũng cao hơn so với các loại đô thị còn lại. Hai đô thị Đặc biệt là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều là những khu vực phát triển mạnh về kinh tế và cũng là những nơi tập trung đông dân ở Việt Nam, cùng với đó các thành phố này cũng là những tâm điểm về ô nhiễm không khí ở hai miền Nam và Bắc.

Đối với Hà Nội, nồng độ PM₂.₅ trung bình năm của 100% các quận huyện ở đây đều vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia, với tỉ lệ số ngày có chất lượng không khí tốt đạt khoảng 42,2% và chất lượng trung bình chiếm khoảng 39,7%. Đối với thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù 100% quận huyện đều dưới ngưỡng quy chuẩn quốc gia về nồng độ PM₂.₅ trung bình năm, tuy nhiên các giá trị này vẫn lớn hơn so với mức khuyến nghị của WHO 2021. Chất lượng không khí theo ngày của thành phố hầu hết đạt mức tốt với 87,1% số ngày trong năm, mức trung bình chỉ đạt 11,9%. Về tác động của các lệnh giãn cách của COVID-19, chúng tôi thực hiện phân tích chất lượng không khí ở hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh; đây là hai thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch và các đợt giãn cách trong năm 2021, vì vậy các ảnh hưởng lên chất lượng không khí có thể được nhìn thấy rõ hơn ở hai thành phố này. Mặc dù ghi nhận các mức giá trị nồng độ PM₂.₅ cao trong khu vực, tuy nhiên chất lượng không khí của hai thành phố này cũng có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực trong thời kì giãn cách COVID-19 do ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách. Cụ thể tại thành phố Hà Nội trong thời kì giãn cách, nồng độ PM₂.₅ giảm 22,7% so với ước tính điều kiện thời tiết bình thường và giảm hơn so với trước và sau thời kì giãn cách. Trong khi đó sự giảm nồng độ PM₂.₅ ở thành phố Hồ Chí Minh trong thời kì giãn cách là 41,4% so với ước tính điều kiện thời tiết bình thường và cũng giảm so với trước và sau thời kì giãn cách.

Ngoài Hà Nội và Hồ Chí Minh, thực trạng của một số tỉnh thành khác bao gồm Bắc Ninh, Thái Bình, Nghệ An cũng được xem xét. Bên cạnh Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Bình cũng là các tỉnh thuộc phía Bắc được đặc trưng bởi các khu công nghiệp và hoạt động nông nghiệp ở cả hai tỉnh. Trong năm 2021, 100% số quận huyện của tỉnh Bắc Ninh đều vượt chuẩn quốc gia về ô nhiễm bụi PM₂.₅ trung bình năm với số ngày có chất lượng không khí tốt chỉ đạt 49,7%; trong khi đó số quận huyện dưới ngưỡng quy chuẩn quốc gia của tỉnh Thái Bình là 62,5% và số ngày đạt chất lượng không khí tốt của tỉnh là 69,3%. Nghệ An là tỉnh nằm ở miền Trung được bao phủ bởi một diện tích lớn rừng tự nhiên và cũng thường xuyên xảy ra cháy rừng nhiều nhất cả nước. Tại đây trong năm 2021, 100% các quận huyện đều dưới ngưỡng quy chuẩn quốc gia nhưng vẫn cao hơn mức khuyến nghị WHO; bên cạnh đó tỉ lệ số ngày đạt chất lượng không khí tốt của tỉnh đạt 89%. Tất cả các tỉnh thành phố được phân tích đều có nồng độ bụi PM₂.₅ thể hiện sự thay đổi theo mùa, cụ thể có giá trị thấp vào các tháng mùa hè (hoặc mùa mưa) và có giá trị cao vào các tháng mùa đông (hoặc mùa khô).

Dựa vào kết quả nghiên cứu phân bố PM₂.₅ cho năm 2019 và dữ liệu thu thập đươc từ các cơ sở khám chữa bệnh và dữ liệu về dân số, chúng tôi ước tính được có khoảng 56,8 nghìn ca, đồng nghĩa 9,9% số ca tử vong sớm do các nguyên nhân tự nhiên tại Việt Nam trong năm 2019 có liên quan đến phơi nhiễm với nồng độ PM₂.₅.

Các khu vực có số ca tử vong sớm ước tính cao bao gồm vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung. Xét về các tỉnh thành phố, Hà Nội và Hồ Chí Minh vẫn là hai địa phương có số ca tử vong sớm do phơi nhiễm PM₂.₅ cao nhất cả nước trong năm 2019, với lần lượt 6.250 và 4.130 ca. Các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Nghệ An lần lượt có số ca tử vong do PM₂.₅ năm 2019 là 1.047, 1.697 và 1.930 ca.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các biện pháp kiểm soát phát thải được ước tính sẽ làm giảm 6,7% số ca tử vong sớm do phơi nhiễm PM₂.₅ trong năm 2019 ở Việt Nam. Cụ thể, các thành phố Hà Nội có tỉ lệ giảm số ca tử vong theo quận huyện dao động từ 5,6-6,8% còn thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thể giảm được 6,9% số ca tử vong theo toàn thành phố. Tỉnh Bắc Ninh có số ca tử vong giảm theo quận huyện dao động từ 5,1-5,8% và tỉnh Thái Bình sẽ có thể giảm 6,1% số ca tử vong trên toàn tỉnh. Trong khi đó tỉnh Nghệ An có tỉ lệ giảm số ca tử vong theo quận huyện giao động từ 5,1-7,4%.

Các khuyến nghị

Đối với các tổ chức, đơn vị nhà nước, việc sử dụng các bản đồ phân bố bụi PM₂.₅ từ mô hình cần được áp dụng rộng rãi hơn và trong tương lai có thể mở rộng sang các chất ô nhiễm khác để có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng chất lượng không khí ở cấp quốc gia, vùng miền và các tỉnh thành hằng năm. Bên cạnh đó, cũng cần đặt ưu tiên về việc theo dõi, quan trắc (bao gồm việc phát triển mạng lưới quan trắc không khí tiêu chuẩn) và xây dựng các kế hoạch quản lý chất lượng không khí cho các khu vực tỉnh thành phố và các khu vực đô thị có mức độ ô nhiễm cao như được nêu trong báo cáo. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu và thông tin đảm bảo/kiểm soát chất lượng tại các trạm cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục - truyền thông. Ngoài ra, cần có sự rà soát và cập nhật định kỳ quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí, do hiện tại đang có sự chênh lệch lớn quy chuẩn quốc gia và khuyến nghị của WHO về mức độ PM₂.₅. Bên cạnh quy chuẩn quốc gia, Việt Nam cũng cần có quy chuẩn về ô nhiễm không khí trong nhà vì đây là vấn đề cấp bách của ở các nước thu nhập trung bình và thấp. Ngoài việc quản lý chất lượng không khí, chúng tôi cũng khuyến nghị việc theo dõi ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khoẻ định kỳ bởi kết quả từ việc đánh giá này cũng sẽ là một nguồn dữ liệu hữu ích giúp lượng hoá được mức độ hiệu quả của các chính sách được thực hiện. Bên cạnh đó, cũng cần cải thiện hệ thống ghi nhận tử vong và bệnh tật tại các cơ sở y tế nhằm mục đích cập nhật kịp thời và đầy đủ. Hơn nữa, cần thiết có sự hợp tác giữa các đơn vị thuộc các chuyên ngành khác nhau (cụ thể là các cơ quan quản lý chất lượng không khí và các cơ sở y tế cùng với các cơ quan thống kê về dân số) nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc đánh giá mức độ và tác động của ô nhiễm không khí đến sức khoẻ của cộng đồng.

Về phía các viện nghiên cứu và các trường đại học, cần có sự đầu tư nghiên cứu về mô hình hóa ô nhiễm không khí ở phạm vi toàn quốc, vùng miền, và thành phố/tỉnh để cung cấp các số liệu hiện trạng và dự báo ONKK có độ chính xác cao. Bên cạnh đó, việc phát triển một phương pháp đánh giá tác động sức khoẻ bởi ô nhiễm không khí riêng cho Việt Nam cũng là cần thiết, để làm gia tăng độ chính xác khi đánh giá. Với hiện trạng ô nhiễm bụi PM₂.₅ hiện nay, việc xác định được các nguồn thải ô nhiễm là rất cần thiết để từ đó có các biện pháp giảm thiểu hợp lý. Cuối cùng, ở mỗi quá trình nghiên cứu cũng như đánh giá cần có sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia cũng như của các cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo chất lượng của quá trình cũng như sự đúng đắn trong việc diễn giải kết quả. Việc này cũng cung cấp thêm thông tin, tăng cường sự quan tâm và khả năng cam kết của các cơ quan quản lý tới việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào các hoạt động quản lý

Tải báo cáo dưới định dạng PDF tại đây.