Hội thảo: “Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019 – 2020 và Ứng dụng dữ liệu vệ tinh trong giám sát ô nhiễm và nghiên cứu
Vào ngày 1 tháng 12 năm 2021, Hội thảo công bố Báo cáo “Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn” đã diễn ra, đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về ô nhiễm không khí cả về không gian và thời gian. Đây là báo cáo đầu tiên cung cấp thông tin hiện trạng bụi PM2.5 không chỉ tại Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà của tất cả 63 tỉnh/thành phố, với dữ liệu được tổng hợp và phân tích từ trạm quan trắc tiêu chuẩn, thiết bị cảm biến tới dữ liệu vệ tinh. Báo cáo này được thực hiện bởi trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) cùng các chuyên gia trong và ngoài nước. Báo cáo nằm trong dự án “Chung tay vì Không khí sạch” được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Hội thảo đã chia sẻ các kết quả của Báo cáo trên và xu hướng ứng dụng dữ liệu mở trong giám sát ô nhiễm và nghiên cứu trên thế giới. Hội thảo có sự tham gia của TS. Hoàng Dương Tùng (Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam), PGS. TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh (Trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội), TS. Falguni Patadia (Dự án SERVIR giữa NASA và USAID) cùng hơn 200 đại diện từ các đơn vị, ban, ngành địa phương, cơ quan báo chí, các chuyên gia, nhà khoa học và những người quan tâm đến vấn đề ô nhiễm không khí.
Chia sẻ về báo cáo, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam (VCAP): “Tôi nghĩ đây là một công bố mới, không chỉ là vì độ phủ về vấn đề chất lượng không khí ở toàn Việt Nam, mà còn ở tiếp cận nhìn nhận. Trước đây, các báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chỉ dựa vào số liệu từ trạm quan trắc liên tục, và quan trắc định kỳ. Còn báo cáo này có điểm mới ở việc sử dụng số liệu vệ tinh cùng với số liệu mặt đất để cho ra bức tranh tương đối tổng thể về CLKK toàn Việt Nam, chi tiết tới từng tỉnh hay từng quận/huyện. Tiếp cận kết hợp số liệu vệ tinh, số liệu trạm truyền thống và cảm biến chi phí thấp là hướng đi mà nhiều quốc gia đã và đang được ứng dụng ở nhiều quốc gia; tuy nhiên ở Việt Nam, thì đây là báo cáo đầu tiên sử dụng đa nguồn dữ liệu để đưa ra bức tranh toàn cảnh và cho người đọc một cách nhìn mới, tổng quát để bổ sung cho các báo cáo của cơ quan nhà nước.”
Mở đầu phần trình bày, PGS.TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh, thuộc trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố những kết quả cốt lõi về Hiện trạng bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam giai đoạn 2019 – 2020, nhấn mạnh lần đầu tiên có bức tranh hiện trạng bụi PM2.5 đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam cũng như của cụ thể từng quận/huyện trên địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) cũng đã đưa ra những khuyến nghị về nghiên cứu và chính sách, trong đó cần ứng dụng đa nguồn dữ liệu, xây dựng bản đồ phân bố bụi PM2.5 chi tiết tới cấp quận/huyện tại các tỉnh thành có ô nhiễm bụi PM2.5, đẩy mạnh nghiên cứu xác định đóng góp nguồn thải, tăng cường mạng lưới trạm quan trắc CLKK tiêu chuẩn trên toàn quốc, cũng như thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quan trắc bụi PM2.5 và các chất ô nhiễm không khí khác.
Về xu hướng ứng dụng dữ liệu mở, TS. Falguni Patadia, Trưởng nhóm Chất lượng Không khí và Quản lý Danh mục dự án của Nhóm Khoa học Ứng dụng trong dự án NASA SERVIR, nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực Mê Kông trong việc nghiên cứu nồng độ các chất ô nhiễm khác ngoài PM2.5 và tạo các nguồn dữ liệu mở cho các nhà khoa học, từ đó giúp hiểu và giải quyết ô nhiễm không khí.
Tiếp nối xu hướng sử dụng đa nguồn dữ liệu trong giám sát CLKK, PGS.TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh giới thiệu về dự án LASERPULSE – Cải thiện giám sát và quản lý ô nhiễm không khí ở Việt Nam sử dụng quan trắc PM2.5 bằng vệ tinh.